Trong năm 2020, giá đồng đã tăng 26%, mạnh nhất trong nhóm các kim loại cơ bản giao dịch trên sàn London, do sản xuất công nghiệp trên toàn cầu hồi phục, nhất là ở Trung Quốc.
Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này đã bất ngờ mua mạnh đồng để thay thế lượng đồng phế liệu nhập khẩu sụt giảm, phục vụ các mục đích: tiêu thụ, tái sản xuất và dự trữ.
Trong khi đó, một số nước sản xuất đồng chủ chốt ở Châu Mỹ gặp trục trặc liên quan đến Covid-19 và tình trạng thiếu điện. Sản lượng của Chile – quốc gia sản xuất đồng chủ chốt – đã bị sụt giảm do nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa kéo dài.
Đô la Mỹ lao dốc cũng góp phần tích cực hỗ trợ giá đồng tăng.
Hợp đồng tham chiếu thế giới đối với mặt hàng đồng (kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London) 2020 tăng tổng cộng 26%, kết thúc năm ở mức 7.764 USD/tấn. Trong khi đó, chỉ số giá 6 kim loại cơ bản trên sàn LME năm 2020 tăng 21%, trong đó giá chì – dùng sản xuất pin và ắc-quy – chỉ tăng 3%.
Do mất cân đối cung – cầu, lượng đồng lưu kho trên sàn LME đã giảm hơn 40% kể từ giữa tháng 10/2020 tới nay, hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020, là 105.425 tấn. Lượng đồng lưu kho trên các sàn ShFE (Trung Quốc) và COMEX (Mỹ) hiện cũng đang ở mức thấp nhất lần lượt 6 năm và 7 tháng.
Giá đồng tăng mạnh nhất trong số các kim loại cơ bản giao dịch trên sàn LME
Sang năm 2021, giá đồng vẫn tiếp tục tăng. Ngày 6/1/2021, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London đạt 8.037,5 USD/tấn, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 2/2021 trên sàn Thượng Hải (ShFE) tăng lên 58.930 CNY(9.125,54 USD)/tấn. Như vậy, chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021, giá đồng đã tăng thêm khoảng 4%, nối dài đà đi lên của năm 2020.
Triển vọng thị trường đồng năm 2021 sẽ liên quan chặt chữ tới diễn biến dịch Covid-19. Biểu đồ dưới đây thể hiện rất rõ điều đó.
Khi dịch Covid -19 mới bùng phát khắp thế giới vào quý I/2020, các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa ngăn chặn dịch lây lan, kéo giá đồng giảm mạnh. Các dữ liệu kinh tế toàn cầu dần cải thiện trong 6 tháng cuối năm và thị trường đồng cũng khởi sắc từ đó.
Vì vậy, các nhà phân tích xem đồng như một “sợi dây cột chặt” vào tăng trưởng kinh tế, hay còn gọi là “Dr. Đồng”.
Mối tương đồng giữa giá đồng và Chỉ số kinh tế của Citigroup (Citi Global Economic Surprise Index)
Để đối phó với đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương đã hành động mạnh mẽ bằng cách tăng mạnh thanh khoản cho hệ thống tài chính toàn cầu. Tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đi tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp – điều hiếm thấy trong hành động của tổ chức này. Bên cạnh đó, Fed đã bơm những khoản viện trợ khổng lồ dưới nhiều hình thức vào thị trường để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh. Những chính sách này dự kiến sẽ còn được duy trì trong giai đoạn 2022 – 2023.
Trung Quốc cũng đã nổi lên thành động lực chính thúc đẩy giá đồng tăng, khi lượng nhập khẩu đồng thô vào thị trường này năm 2020 đạt mức cao kỷ lục. Xu hướng nhu cầu mạnh ở Trung Quốc dự báo sẽ còn tiếp diễn do chính sách kích cầu thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng – sẽ là chìa khóa cho các kế hoạch tăng trưởng đầy lạc quan của Trung Quốc.
Triển vọng đà tăng của giá đồng sẽ còn tiếp diễn trong quý I/2021, khi các yếu tố cơ bản vẫn còn nguyên giá trị.
Các nước đã bắt đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19, hứa hẹn dịch bệnh sẽ được kiểm soát cơ bản vào quý II/2021.
Goldman đã nâng dự báo giá đồng trong 12 tháng tới lên 9.500 USD/tấn, cao hơn mức 7.500 USD/tấn dự báo trước đây. Theo đó, giá trung bình của năm 2021 sẽ là 8.625 USD/tấn, trước khi tăng tiếp lên trung bình 9.175 USD/tấn trong năm 2022.
Nguồn: VITIC/Reuters